Site icon Khẩu trang y tế XL Mask

Nhà khoa học Việt làm khẩu trang vải ngăn Covid-19

Khẩu trang làm từ vải cotton và vật liệu graphene kết hợp nano bạc giúp kháng khuẩn, ngăn giọt lỏng chứa nCoV do Đại học Bách khoa TP HCM sản xuất.

Khẩu trang có thể tái sử dụng với 5 lần giặt, bảo quản ở nhiệt độ thông thường. Sản phẩm khi đeo có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn.

Khẩu trang bằng vải cotton khi phủ bạc nano sẽ có tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng lớp nano bạc bị rửa trôi, khả năng kháng khuẩn không bền và làm ảnh hưởng sức khỏe con người. Các nhà khoa học Đại học Bách khoa TP HCM khắc phục hạn chế này bằng cách sử dụng graphene với hàm lượng dưới 1 mg làm vật liệu liên kết giữa vải cotton và nano bạc trở nên chặt chẽ hơn. Nano bạc bám trên bề mặt vải bền hơn và graphene cũng là vật liệu giúp nano bạc phân bố đều, giúp khẩu trang có khả năng kháng khuẩn luôn ở mức cao. Đây cũng là điểm khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm khẩu trang vải có chứa nano bạc trên thị trường.

Sản phẩm khẩu trang vải có chứa graphene và nano bạc do các nhà khoa học Đại học Bách khoa TP HCM nghiên cứu. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hàm lượng graphene và nano bạc trong khẩu trang rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất thấp. Nhóm nghiên cứu đang hoàn tất các thủ tục kiểm định an toàn từ cơ quan y tế, theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Đề cập về khả năng chống giọt bắn có chứa nCoV của khẩu trang, PGS Hiếu cho biết, giới nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh các gốc graphene có thể ngăn chặn được giọt lỏng phân tán từ 2.5 đến 3 micromet. Trong khi virus corona phân tán được từ hệ hộ hấp của người bệnh trong các giọt lỏng có kích thước 5 micromet. Do vậy, với kích thước này virus không thể đi qua lớp graphene của khẩu trang, giúp bảo vệ người dùng.

Khẩu trang có giá khoảng 30.000 đồng một chiếc. Theo nhóm nghiên cứu, nguyên liệu graphene được điều chế từ bột than, không đắt tiền. Song, quá trình điều chế từ bột than thành graphene đòi hỏi chi phí lớn. “Với hàm lượng graphene rất nhỏ, tôi tin tưởng giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh”, PGS Hiếu chia sẻ. Hiện, khẩu trang được dùng thử nghiệm cho giảng viên, nhân viên Đại học Bách khoa TP HCM.

Công trình nghiên cứu này được PGS Hiếu và tám đồng sự khác thực hiện và báo cáo hoàn thành trước Hội đồng nghiệp thu Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM vào giữa năm 2019 khi dịch Covid – 19 chưa xuất hiện. Lúc đó nhóm nghiêm cứu sử dụng vật liệu kháng khuẩn bạc trên graphene cho băng dán làm lành vết thương.

Khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, lãnh đạo Đại học Bách khoa TP HCM ủng hộ nghiên cứu, đưa vật liệu graphene lên vải cotton trong khẩu trang kháng khuẩn nhằm giảm bớt nhu cầu cao về khẩu trang y tế và cùng chung tay ngăn chặn giọt bắn có chứa nCoV xâm nhập cơ thể. Từ những thành công trên nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm nước rửa tay, đồ bảo hộ y tế… để hỗ trợ người dân trong phòng chống Covid-19.

Theo Vnexpress.net

Exit mobile version