Site icon Khẩu trang y tế XL Mask

Làng khẩu trang y tế từ thời “đỉnh cao”, tiền xếp cả bao tải đến hết thời bán máy lỗ nặng

(Dân trí) – Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, thôn Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) nổi lên là nơi sản xuất, buôn bán khẩu trang lớn trên cả nước. Nhiều hộ kinh doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.

Hàng ế thanh lý tăng giá gấp 50 lần

Cuối năm 2019, làng khẩu trang thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) chỉ có khoảng 10 hộ kinh doanh sản xuất khẩu trang, đa phần người dân trong thôn làm mây tre đan. Khẩu trang thời điểm đó bán “rẻ như cho”. Mỗi thùng khẩu trang có giá 700.000 đồng được bán thanh lý chỉ 500.000 đồng. Thậm chí, người dân có thể xin về dùng vì hàng quá ế ẩm.

Làng Xuân Lai giàu lên nhờ sản xuất, kinh doanh khẩu trang trong đợt dịch Covid-19 (Ảnh: Thế Hưng).

Thế nhưng, sau khi đại dịch bùng phát dịp Tết nguyên đán năm 2020, giá khẩu trang bất ngờ tăng phi mã từ 500.000 đồng/thùng lên 25 triệu đồng/thùng (gấp 50 lần).

Thời điểm đó, bà M.G. (tên nhân vật đã được thay đổi) – chủ một quán tạp hóa chia sẻ: “Nhờ mối quen của con trai, tôi mua được 2 thùng khẩu trang với giá 20 triệu đồng. Chở khẩu trang từ xưởng về cổng làng, hàng chục xe ô tô đã vây quanh cửa nhà hỏi mua lại với giá 47 triệu đồng/2 thùng”.

Làng Xuân Lai hiện có gần 200 hộ sản xuất, kinh doanh khẩu trang (Ảnh: Thế Hưng).

Cũng theo bà G., lúc “sốt” hàng, giá khẩu trang lên tới đỉnh giá là 25 triệu đồng/thùng. Người bán lẻ đến các xưởng xếp hàng từ 5-6 giờ sáng để chờ mua vì 8 giờ sáng đã “cháy” kho.

“Xưởng không có công nhân, người mua còn phải xắn tay áo vào xưởng đóng gói mới lấy được khẩu trang. Khách mua tự đóng hàng cũng không được giảm giá”, bà G. nói thêm, nhiều người dân làng Xuân Lai giàu lên sau một đêm.

Nhớ lại lúc cao điểm kinh doanh, xưởng của chị L.A. chỉ dám nhận tiền mặt. Theo chị A.: “Nhà tôi không dám nhận qua tài khoản vì sợ công an “sờ” do không có hóa đơn, chứng từ. Lúc nhập máy về, hai vợ chồng tôi lao vào làm không kịp thành lập công ty. Đến khi hàng chững mới có thời gian mở công ty, kiểm định và đăng ký ISO”.

Doanh thu từ khẩu trang lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, không phải hộ sản xuất nào cũng có thu nhập “khủng” như vậy (Ảnh: Thế Hưng).

Theo lời kể của chị L.A., doanh thu nhà chị khi đó mỗi tháng lên tới 8 tỷ đồng. Trừ đi 5 tỷ tiền nhập vải, tiền nhân công, túi bóng, chun… mỗi tháng chị A. lãi 1 tỷ đồng. Tiền mặt về dồn dập, chị phải xếp tiền vào bao tải.

“Tiền giao dịch phải nhận tiền mặt vì nếu lượng tiền lớn đổ về tài khoản liên tục sẽ bị ngân hàng điều tra. Họ hàng nhà tôi trong miền Nam phải chở hẳn một xe tải tiền mặt để đi gửi ngân hàng”, chị L.A. kể.

Nguồn thu “khủng” như vậy vì theo chị L.A., gia đình chị trong miền Nam có hơn 50 đầu ra cho mặt hàng khẩu trang. Đồng thời, gia đình buôn bán cả máy móc làm khẩu trang từ Trung Quốc.

Buôn máy làm khẩu trang là một nghề thu lợi lớn thời điểm dịch Covid-19 hoành hành (Ảnh: Thế Hưng).

Anh Thành Duy, một chủ xưởng khẩu trang tại Mạo Khê (Quảng Ninh), cho biết giá máy khẩu trang trước dịch chỉ vài trăm triệu đồng nhưng khi bùng phát dịch đã tăng lên tới 3-4 tỷ đồng. Máy đã qua sử dụng, mẫu mã cũ cũng có giá lên tới 1-2 tỷ đồng.

Hết thời bán máy lỗ nặng

Thế nhưng hiện nay, việc kinh doanh khẩu trang đã rất trầm lắng. Nguyên nhân bởi dịch đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước, người dân trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu thị trường giảm mạnh, nhất là thị trường trong nước. Giá khẩu trang giảm từ hàng chục triệu đồng/thùng về còn 700.000-1.000.000 đồng/thùng khiến dân buôn không còn “mặn mà”.

Ngay tại làng khẩu trang y tế, nhiều hộ kinh doanh đã dừng chạy hàng từ hơn một tháng nay. Thậm chí, một số hộ đã rao bán máy móc, vải, nguyên phụ liệu… để chuyển nghề do không có đầu ra.

Hiện nay, máy móc sản xuất khẩu trang cũ đã mất giá hàng chục lần (Ảnh: Thế Hưng).

Thị trường bão hòa khiến giá máy làm khẩu trang loại mới hiện nay chỉ có giá dao động 500-800 triệu đồng. Nhiều gia đình bỏ ra 3-4 tỷ đồng để mua máy từ năm 2020 nhưng hiện nay bán thanh lý chỉ được 150-200 triệu đồng. Máy xuống giá hàng chục lần chỉ sau 2 năm nhưng chị Hằng (thôn Xuân Lai) và chồng rao bán rất lâu vẫn chưa có người mua.

Đáng nói, dù đã đầu tư máy ngay từ đợt dịch năm 2020, nhưng chị Hằng cho biết vẫn chưa gỡ lại được số vốn đã bỏ ra bởi doanh thu xưởng của chị không “khủng” như một số xưởng lớn.

Mặt hàng khẩu trang đang đi xuống nhờ dịch bệnh được kiểm soát (Ảnh: Thế Hưng).

Một người sản xuất khẩu trang chia sẻ, dù thu nhập giờ kém sôi động hơn nhưng chị vẫn thấy vui vì điều đó cho thấy đại dịch đã được kiểm soát, người dân thoát cảnh nơm nớp sống trong lo âu.

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo thôn Xuân Lai cho biết, hiện thôn có khoảng gần 200 hộ sản xuất khẩu trang. Ước tính, nghề khẩu trang mang lại việc làm cho gần 2.000 lao động trong thôn với thu nhập bình quân 250.000-300.000 đồng/ngày

Theo Dantri.