(Dân trí) – Chưa bao giờ số lượng F0 tăng nhanh và nhiều như hiện nay, cũng chưa bao giờ thị trường kit xét nghiệm SARS-CoV-2 lại sôi động, nóng rẫy đến vậy.
Trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội của tôi có rất nhiều người kinh doanh online, như một nghề thứ hai để tăng thu nhập. Những mặt hàng bán chạy nhất giai đoạn này hẳn nhiên là khẩu trang y tế, kit test (xét nghiệm virus SARS-CoV-2), các loại thực phẩm chức năng và thậm chí là thuốc xách tay (dù hầu hết không phải dược sĩ và có lẽ cũng không được cấp phép).
Tôi không phán xét điều gì ở đây cả. Tuy nhiên, trong khi các trung tâm y tế “khủng hoảng” thiếu kit test thì những người tiêu dùng như tôi chỉ ở nhà, nếu muốn mua cũng không phải không có cách. Chỉ cần đặt hàng thì sẽ có và người ta ship đến tận nhà, miễn là chấp nhận mức giá đang ngày một tăng.
Một người bạn nói với tôi, chị đã ngừng nhập mặt hàng này dù nhu cầu của khách hàng lớn. Lý do đơn giản: “Giá nhập quá cao và nếu bán cao hơn thì sợ bị… chửi”.
“Giá kit test tăng chóng mặt”, “kit test khan hiếm”… là những gì được phản ánh trong những ngày gần đây. Các nhà thuốc có nơi chỉ bán cho mỗi người 3 bộ kit test vì không đủ hàng. Còn tại các trung tâm y tế, nhiều nơi phải ngừng dịch vụ test nhanh và nếu người dân có nhu cầu phải tự mang kit test đến.
Nhu cầu test nhanh lên cao trong bối cảnh số lượng F0, đặc biệt là các ca mắc cộng đồng tăng vọt. Riêng tại Hà Nội, có ngày số F0 mới lên tới 10.000 ca.
Nhìn vào thị trường kit test hiện nay, tôi chợt nhớ đến giai đoạn trước với mặt hàng khẩu trang, khi mà mới phong thanh tin về dịch bệnh thì các nhà thuốc đã báo khan hàng. Một hộp khẩu trang có những thời điểm lên tới nửa triệu đồng. Lúc đó, các bác sĩ còn phải kêu gọi người dân nên dùng khẩu trang vải và nhường khẩu trang y tế, N95, N99… cho tuyến đầu chống dịch. Hiện khẩu trang đã bình ổn giá thì lại đến kit test khan hiếm và “loạn giá”.
Một cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế tổ chức trong ngày 23/2. Tại cuộc họp này, Bộ Y tế cho biết đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2. Có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).
Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định. Các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Tôi không có chuyên môn về y dược cũng chẳng phải là một nhà kinh doanh, nhưng có một lý thuyết cơ bản về cung – cầu trên thị trường mà tôi nghĩ ai cũng đều nhìn thấy được, đó là cầu tăng, cung hạn chế thì giá leo thang. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề này phải đi từ cả phía cầu và phía cung.
Về cầu, như báo chí cũng đã khuyến nghị, việc người dân lo lắng mắc Covid-19 và test liên tục để kiểm tra là không cần thiết. Giá kit test trở nên đắt đỏ, có gia đình tốn cả chục triệu đồng tiền mua kit test để rồi đăng ảnh “báo cáo” với mạng xã hội, có đáng không?! Rồi một khi phát hiện mình dương tính với SARS-CoV-2, sáng một lần test, chiều một lần test chỉ để ngóng chờ vạch thứ 2 mờ đi, có lãng phí quá không?! Vậy nên, nếu số kit test trên thị trường khan hiếm, thì dẫu chúng ta có bức xúc nhưng cũng đâu vô can?
Còn về phía cung, có lẽ cơ quan quản lý cần xem lại về năng lực cung ứng trên thị trường. Mặc dù sản phẩm phong phú (lên cả trăm loại) nhưng kit test vẫn chủ yếu được nhập khẩu. Nếu khẳng định sản xuất và nhập khẩu đủ thì tin “khan hàng” liệu có phải chỉ là chiêu trò của một bộ phận nhằm tăng giá trục lợi? Quản lý thị trường cần vào cuộc để “dẹp loạn”, nếu có tình trạng găm hàng để thổi giá, đưa vào hàng giả hàng nhái để kinh doanh trục lợi trên nỗi bất an của đồng bào thì phải phạt nặng, thật nặng!
Còn nếu quả thực không đủ thì phải tăng cung. Muốn tăng cung đương nhiên là cần tăng cường nhập khẩu, tăng cường chuyển giao công nghệ và có thêm các doanh nghiệp, nhà máy để sản xuất trong nước, chủ động nguồn hàng. Nếu cầu trên thị trường lớn, kinh doanh có lợi nhuận, chẳng lẽ doanh nghiệp lại từ chối?!
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nếu xét thấy phương án này hiệu quả, người viết cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ, bởi chạy đua với thời gian để đảm bảo quyền lợi cho dân, phục vụ công tác chống dịch là việc cần kíp. Bác Hồ đã từng nói: “Việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm”!
Một khi tập trung nguồn lực giải quyết, tôi tin là thị trường kit test sẽ không còn “loạn” như hiện nay.
Theo dân trí
Bài liên quan :