Trước biến thể Omicron dễ lây lan hơn, loại khẩu trang y tế nào hiệu quả phòng chống lây nhiễm cao nhất, có cần sử dụng tới khẩu trang N95 như nhân viên y tế? Dưới đây là ý kiến của chuyên gia.
Omicron dễ lây hơn bao nhiêu so với các chủng trước đó?
Các nhà khoa học kêu gọi công chúng sử dụng loại khẩu trang tốt hơn, cân nhắc sử dụng khẩu trang N95 và các loại tương đương vì cho rằng biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm tốt hơn rất nhiều so với biến thể Delta.
Một nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho thấy biến thể Omicron có khả năng nhân bản trong đường hô hấp của con người nhanh hơn 70 lần so với Delta, khiến nó lây lan nhanh hơn giữa người với người.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học California cũng cho thấy các hạt khí dung chứa virus Omicron trôi nổi trong không khí có thể tồn tại lâu hơn Delta, có nghĩa là nguy cơ lây truyền trong không khí cao hơn.
Trích dẫn một ca nhiễm Omicron điển hình đáng báo động tại một khách sạn cách ly ở Hong Kong (Trung Quốc), một người ở phòng đối diện hàng lang với bệnh nhân nhiễm Omicron cũng bị lây nhiễm mặc dù không hề tiếp xúc.
Linsey Marr, một nhà khoa học khí dung tại Virginia Tech cũng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, đã cảnh báo về sự lây lan của COVID-19 qua khí dung ngay cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Cô ủng hộ việc đeo khẩu trang N95 vì chúng có tác dụng che kín và ngăn chặn virus tốt hơn.
Kêu gọi sử dụng khẩu trang N95 hoặc mặt nạ phòng độc
Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ Tom Frieden kêu gọi mọi người dùng khẩu trang N95 cùng với tiêm chủng tăng cường để ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Omicron.
Giáo sư David Fisman thuộc Trường Y tế Công cộng Dalla Lana thuộc Đại học Toronto đồng quan điểm, cho rằng những chiếc khẩu trang “rộng thùng thình” với những khoảng trống xung quanh sẽ không có tác dụng bảo vệ vì sẽ dễ dàng hít phải những hạt khí dung chứa virus. Khẩu trang thực sự phải vừa khít với khuôn mặt và lọc được bất kỳ hạt không khí nào mà bạn hít vào.
Trong khi đó, nhà khoa học Linsey Marr cho biết trên Twitter, ngay cả khi công chúng không thể mua được mặt nạ phòng độc, thì ít nhất họ cũng nên cố gắng làm cho khẩu trang y tế của mình vừa vặn hơn bằng cách thu ngắn dây đeo.
Sự khác biệt giữa khẩu trang 3D, khẩu trang y tế và khẩu trang N95, KN95 là gì?
Khẩu trang bằng vải hoặc khăn che mặt che mũi và miệng của người đeo có chức năng chính là ngăn người bị nhiễm bệnh phát tán mầm bệnh. Nhưng một số chuyên gia cho rằng khả năng truyền nhiễm cao của Omicron có nghĩa là đã đến lúc phải từ bỏ chúng.
Có nhiều loại khẩu trang dùng một lần khác nhau. Khẩu trang cấp độ 2 có 3 lớp và cấp độ 3 có 4 lớp và chúng phải đáp ứng các tiêu chuẩn lọc các hạt có kích thước khác nhau. Mặc dù loại này cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều so với khẩu trang bằng vải hoặc 1 lớp, nhưng chúng có cấu tạo lỏng lẻo và các cạnh của khẩu trang không được thiết kế để ôm khít, bảo vệ mũi và miệng.
Nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao thường được yêu cầu đeo khẩu trang có chức năng lọc, trong đó N95 là loại phổ biến nhất. Khẩu trang N95 lọc ít nhất 95% các hạt trong không khí nhưng không chống lại các hạt hữu cơ (gốc dầu, xăng).
Châu Âu và Trung Quốc có yêu cầu tương tự đối với khẩu trang có chức năng lọc. Ở Châu Âu, khẩu trang FFP2 phải đáp ứng lọc ít nhất 94% hạt trong không khí, trong khi khẩu trang KN95 của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đáp ứng khả năng lọc ít nhất 95%.
Tuy nhiên, CDC của Mỹ cảnh báo rằng khoảng 60% khẩu trang KN95 được bán ở Mỹ là hàng giả.
Điều quan trọng là người đeo phải đảm bảo khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, loại khẩu trang bịt kín này có thể không phù hợp với những người mắc một số tình trạng y tế, chẳng hạn như bệnh tim, và cần phải có sự tư vấn của chuyên gia.
Một số khẩu trang có van thở ra giúp hít thở dễ dàng hơn, nhưng chúng được một số chuyên gia y tế mô tả là “khẩu trang ích kỷ” vì tính năng đó không thể ngăn người đeo lây nhiễm cho người khác.
Có nhất thiết phải đeo khẩu trang N95?
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây, N95 hoặc mặt nạ phòng độc có tiêu chuẩn tương tự chỉ được yêu sử dụng cho nhân viên y tế đang thực hiện các thủ thuật nguy hiểm và chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Đối với công chúng, các loại khẩu trang thông thường đều có tác dụng bảo vệ và những người dễ bị tổn thương như người già được khuyên nên đeo khẩu trang y tế.
Các chuyên gia lưu ý có một loạt yếu tố cần cân nhắc khi chọn khẩu trang phù hợp chẳng hạn như sức khỏe, tuổi tác, tình trạng dịch bệnh COVID-19 ở quốc gia đó và loại biến thể virus đang lây truyền.
Theo ông Vincent Pang tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore: “Omicron có khả năng gây ra bệnh nặng cho những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng (tuy bằng chứng vẫn còn hạn chế), tôi khuyên mọi người nên đeo khẩu trang N95 ở những địa điểm trong nhà hoặc nơi đông người… nếu họ có khả năng bị phơi nhiễm cao và không chống chịu được”.
Ông nhấn mạnh, đeo khẩu trang y tế đủ khả năng bảo vệ miễn là luôn bảo đảm đeo đúng cách, cùng với thực hành vệ sinh tay tốt và giãn cách xã hội.
Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm David Heymann ở Anh khuyên, điều quan trọng là phải che chắn cả mắt vì virus cũng có khả năng xâm nhập qua mắt và duy trì khoảng cách an toàn với những người khác ngoài việc đeo khẩu trang. Ngoài ra, cẩn trọng khi đeo khẩu trang vải trong thời gian dài, lớp vải bị ướt do hô hấp hoặc nước bọt sẽ khiến virus dễ dàng truyền qua hơn.
“Nhưng nếu mọi người muốn tự bảo vệ mình, họ nên tránh xa những nơi đông người” – ông lưu ý.
Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu của Mỹ, Anthony Fauci, nói với CNBC: “Khẩu trang vải chắc chắn vẫn có tác dụng. N95 là chiếc tốt nhất nhưng chúng tương đối khó chịu khi đeo. Khẩu trang thông thường cũng như khẩu trang vải đều là lựa chọn tốt”.