SKĐS – Khẩu trang y tế được coi là một trong những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả đối với các căn bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay.
Tuy nhiên, với việc chỉ sử dụng một lần thì loại rác thải này đang có nguy cơ gây hại đến cuộc sống lâu dài của người dân.
Ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Những chiếc khẩu trang y tế sau khi sử dụng, do người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi ở khắp nơi từ lòng đường, hè phố, công viên, chợ…, trở thành loại chất thải được xếp vào hàng nguy hại, có thể làm lây lan dịch bệnh.
Nếu như trước đây loại vật tư này chủ yếu sản xuất để phục vụ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế thì từ khi xảy ra dịch COVID-19, đa số người dân đã sử dụng khẩu trang nói chung, khẩu trang y tế nói riêng để phòng dịch.
Theo đó, số lượng rác thải y tế nói chung, khẩu trang y tế nói riêng thải ra môi trường lớn hơn gấp nhiều lần so với trước khi bùng phát dịch.
Khẩu trang y tế và rác thải y tế vứt bừa bãi không đúng quy định nhưng chưa xử lý được triệt để.
Với thói quen không phân loại rác, khẩu trang y tế được người dân sử dụng hiện vẫn được xả lẫn trong rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi trong môi trường tự nhiên.